Tăng cường công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết
Hiện nay, mùa mưa đang đến gần cũng là thời điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, là một trong những nguyên nhân gây nên dịch SXH. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là ở các vùng nông thôn cần đặc biệt quan tâm. Bởi đây là một trong những môi trường thuận lợi để dịch SXH có điều kiện phát sinh, phát triển.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, ngay từ đầu năm 2015, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch SXH, chỉ đạo các địa phương đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường – một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến dịch bệnh SXH.
Tĩnh Gia là địa phương hàng năm thường xảy ra dịch SXH, hiện đang nằm trong phạm vi giám sát trọng điểm dịch SXH của tỉnh. Những ngày vừa qua, tại xã Hải Thanh, đã xuất hiện bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh SXH. Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ giám sát và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trước thực trạng trên, để tránh dịch bùng phát lan diện rộng, Trung tâm Y tế huyện, UBND xã đã huy động lực lượng các ban, ngành, đoàn thể chia nhóm cùng các gia đình tuyên truyền, kiểm tra, vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn xã như: phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, che đậy dụng cụ sản xuất nước mắm, làm sạch thủy vực, tiến hành phun thuốc diệt muỗi theo quy định... Tính trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 150 hộ gia đình ở các xã có nguy cơ cao được giám sát véc tơ trước chiến dịch, hơn 9.000 hộ tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, gần 45.000 dân được bảo vệ bằng phun hóa chất diệt muỗi.
Không chỉ ở cấp huyện, tại tuyến xã, công tác triển khai vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH đã được triển khai cụ thể đến tận hộ gia đình và người dân. Các xã như: Quảng Phong, Quảng Thạch (Quảng Xương), Thiệu Hợp (Thiệu Hóa)... là những xã đã và đang thực hiện tốt công tác này. Định kỳ hàng tháng, bà con các thôn xóm lại chủ động làm vệ sinh môi trường, ngăn chặn muỗi truyền bệnh SXH.
Để phòng ngừa có hiệu quả dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; đối với thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt...
Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy khi có biểu hiện của SXH như: sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng,...cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, nhằm tránh biến chứng nguy hiểm. Mọi người hãy cùng thực hiện thông điệp“Không có bọ gậy, loăng quăng - không có SXH”.
Xuân Nguyễn - Trung tâm Truyền thông GDSK
- Đại hội Đại biểu khóa III Hội Y học tỉnh Thanh Hóa
- Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, hiện đại và bền vững
- Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin phòng bệnh do não mô cầu tại Việt Nam
- Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ trang thiết bị y tế và tặng quà bà con chịu ảnh hưởng lũ lụt tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành
- Ngành y tế tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng một số chuyên đề về Cấp cứu và Hồi sức cấp cứu cho nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Sở Y tế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do ngập lụt tại huyện Thạch Thành
- Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
- Tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập
- Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão các cơ sở y tế
- Tăng cường chấn chỉnh hoạt động hành nghề y dược tư nhân