Tập huấn về chuyển đổi số khu vực phía Bắc
Ngày 19/11, tại TP Thanh Hóa, Cục chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về CĐS khu vực phía Bắc.
Chương trình CĐS quốc gia đã trải qua hơn 4 năm triển khai và chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ kết thúc triển khai giai đoạn 1. Từ khi triển khai đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chính sách để hình thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Hội nghị tập huấn lần này nhằm kịp thời truyền tải các chủ trương, định hướng trong việc triển khai CĐS, xây dựng chính quyền số trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết, chia sẻ: So với nhiều địa phương khác, tỉnh Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng được sự quan tâm của Bộ TTTT và các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Thanh Hóa đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp... bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh luôn được duy trì ở mức cao trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nổi bật như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã tích hợp lên Cổng DVC Quốc gia 1.805 DVC trực tuyến (trong đó có 905 DVC trực tuyến toàn trình, 900 DVC trực tuyến một phần); tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,51% (trong đó: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt: 80,09% và tỷ lệ hồ sơ trực tiếp và qua Bưu chính công ích đạt: 19,91%); thực hiện trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp; thực hiện việc gửi/nhận văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp; nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh đã cung cấp, chia sẻ, công khai 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài; Cổng dữ liệu mở của tỉnh cung cấp 350 dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân một cách kịp thời, thông suốt, an toàn.
Thanh Hóa đã kích hoạt thành công hơn 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến được định danh và xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã cấp gần 500.000 chữ ký số cá nhân, đạt tỷ lệ 24%; thực hiện rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%.
Tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt gần 100%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có 6.500 doanh nghiệp đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ TT&TT đạt 40,62%; tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn là 615 doanh nghiệp.
Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cấp huyện, cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 152 xã, phường, thị trấn; 1 thị xã được công nhận hoàn thành CĐS.
Tuy nhiên, hoạt động CĐS trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, do đó, hội nghị lần này là cơ hội để Thanh Hóa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy CĐS nói chung, trong hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cũng như các tỉnh, thành bạn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung hướng dẫn CĐS trong năm 2025; việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số; các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến; các nhiệm vụ và giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước thực thi pháp luật về CĐS.
Buổi chiều cùng ngày, hội nghị sẽ dành riêng thời gian triển khai nội dung Nghị định 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trao đổi, thảo luận những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp là cơ hội để các địa phương tăng cường trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm và giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các địa phương. Đồng thời là dịp để Cục CĐS quốc gia, Bộ TTTT ghi nhận những ý kiến góp ý của các địa phương trong thực tiễn áp dụng, triển khai các chính sách, quy định và hướng dẫn thực hiện CĐS để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, khó khăn, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: Báo Thanh Hóa
- Phát triển hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân
- Nhìn lại năm 2024: Tiếp tục thực hiện quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”
- Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh
- Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuận lợi cho người bệnh BHYT
- Tập huấn về chuyển đổi số khu vực phía Bắc
- Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06
- Thanh Hóa phát triển hệ thống y tế chất lượng và hiệu quả
- Triển khai, thực hiện một số nội dung trọng tâm của Đề án 06
- Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
- Hơn 1,3 triệu lượt dự thi tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024