Chuyển đổi số - Bước tiến quan trọng để xây dựng ngành Y tế hiện đại
Ngành Y tế Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành Y tế Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc triển khai chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực, chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng tới sự hài lòng cho người dân. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ngành đã sớm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn theo hướng thông minh, hiện đại. Hiện 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; tại các trạm y tế xã đã thực hiện triển khai và duy trì phần mềm y tế cơ sở HMIS; dữ liệu được kết nối thành công và thông suốt giữa cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
100% đơn vị y tế công lập triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, được kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận các văn bản điện tử từ Trung ương đến địa phương và giữa các đơn vị trong tỉnh...
Ngành cũng từng bước chuẩn hóa, số hóa dữ liệu hành nghề y dược tư nhân, nghiệp vụ y dược, thanh tra, tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu chung; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được đưa vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh, đề xuất lựa chọn nhiệm vụ triển khai sổ sức khỏe điện tử là bước đột phá về chuyển đổi số năm 2025; đẩy mạnh việc triển khai bệnh án điện tử... Đến nay, đã có hơn 20 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử.
Toàn ngành Y tế triển khai, phát động cao điểm thực hiện có hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, hoàn thành trong tháng 3/2025; hết tháng 3/2025 nằm trong nhóm 30 địa phương, hết tháng 4/2025 nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ tích hợp thẻ bảo hiểm y tế/sổ sức khỏe điện tử lên VNeID cao nhất toàn quốc.
Hệ thống xét nghiệm thông minh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được triển khai đã góp phần tiết kiệm thời gian vận chuyển mẫu, quản lý mẫu bằng barcode; giảm các thao tác thủ công, đồng bộ hóa với phần mềm HIS, bảo đảm chất lượng mẫu đầu vào, kết quả xét nghiệm chính xác.
Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở phát triển tương đối đồng bộ, toàn diện, chuyên sâu. Theo số liệu thống kê trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính (ngày 1/7), toàn tỉnh có 38 bệnh viện công lập, 4 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 26 trung tâm y tế tuyến huyện, 547 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 20 bệnh viện tư nhân. Toàn tỉnh đã đạt được 44 giường bệnh/vạn dân, thuộc nhóm cao nhất cả nước và vượt mục tiêu đề ra.
Hiện nay, ngành y tế Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật, làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp. Nhiều kỹ thuật mà trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến Trung ương nhưng với y tế Thanh Hóa đã trở thành kỹ thuật thường quy. Một số bệnh viện đã được trang bị thiết bị y tế hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Theo TS.BS Lê Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết:
Để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân, hằng năm Sở Y tế luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế.
Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh; ưu tiên các nguồn lực của đơn vị để đầu tư triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR), tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; chữ ký số; khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, sổ sức khỏe trên ứng dụng VNeID và cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả điều hành của toàn ngành.