1.Sốt xuất huyết Dengue là gì
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.
2.Dịch SXHD thường xảy ra vào thời gian nào
Bệnh SXHD thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Ở nước ta, khu vực miền nam và miền trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Cứ khoảng 3-5 năm một lần lại có một vụ dịch SXHD lớn hơn xảy ra, điều này có thể liên quan đến chu kỳ thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ và mức độ mưa.
3.Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền ra sao. Chăm sóc người bệnh SXH có thể bị lây bệnh không
Bệnh sốt xuất huyết dengue lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes) hút máu người bị bệnh sau đó mang vi rút, khi chúng đốt người lành sẽ lây truyền vi rút Degue sang người cho lành.
Bệnh SXHD không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh SXH không bị lây. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để muỗi đốt vì muỗi có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.
4.Nhận diện loại muỗi có thể truyền bệnh SXHD như thế nào
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh SXH. Ở Việt Nam có hai loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi nhỏ, màu đen hoặc hơi nâu đen. Trên thân mình và chân có các vằn trắng, ưa thích hút máu người. Muỗi hoạt động trong môi trường ánh sáng yếu. Chúng thường tăng cường đốt người vào buổi sáng sớm và chiều tà hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư như các vũng nước mưa, các mảnh vỡ, vỏ lon, vỏ chai đọng nước, thậm chí cả trong những lọ hoa, chum vại, bể nước.
5.Người đã từng mắc bệnh SXHD có thể mắc lại không
Hiện có bốn típ vi rút Dengue gây bệnh SXHD là D1, D2, D3, D4. Khi người bệnh nhiễm vi rút lần đầu thường bệnh nhẹ và có miễn dịch với típ đó. nhưng khi tái nhiễm típ vi rút khác thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn thành sốt xuất huyết Dengue.
6.Biểu hiện của SXHD là gì
Sau khi bị muỗi truyền vi rút 3-6 ngày, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau theo từng giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nhiễm vi rút huyết, thường kéo dài 2-5 ngày. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, đau nhức vùng hốc mắt, có thể đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Các biểu hiện này không đặc hiệu và cũng tương tự như các sốt vi rút khác. Người bệnh có thể chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống dung dịch oresol tăng cường ăn hoa quả, bổ xung vitamin và có thể điều trị theo đơn tại nhà.
Nếu mới nhiễm vi rút Dengue lần đầu bệnh tự khỏi sẽ sau 7-8 ngày. Nếu người bệnh tái nhiễm vi rút Dengue type khác, bệnh sẽ diến biến nặng thành SXHD với các giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Tăng thấm thành mạch và giảm tiểu cầu kéo dài 2-3 ngày. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Người bệnh nên điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân đỡ sốt nhưng có tình trạng giảm tiểu cầu trong máu và tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch và cô đặc máu. Người bệnh có thể xuất hiện các nốt chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường. Nếu tiểu cầu hạ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu thoát dịch và cô đặc máu nhiều có thể dẫn đến sốc Dengue rất nguy hiểm. Tùy thuộc tình trạng thoát dịch, hạ tiểu cầu nhiều hay ít mà thầy thuốc quyết định việc bệnh nhân có cần truyền dịch, truyền máu hay không.
Giai đoạn 3: Tái hấp thu dịch và hồi phục tiểu cầu. Sau khi thoát dịch 24 – 48 giờ, cơ thể sẽ tái hấp thu dịch lại. Giai đoạn này không nên truyền dịch vì có thể gây quá tải dịch. Trong giai đoạn này tiểu cầu bệnh nhân bắt đầu hồi phục dần.
7.Làm thế nào để phân biệt với sốt do vi rút khác
Trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết, biểu hiện của SXHD không khác nhiều so với các bệnh sốt vi rút khác. Trong mùa dịch SXHD nếu xuất hiện sốt, đau đầu nhiều, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu diễn biến nặng.
Xét nghiệm quan trọng nhất để hỗ trợ điều trị SXHD là xét nghiệm công thức máu. Nó giúp thầy thuốc quyết định có cần truyền dịch, truyền máu hay không, số lượng cần truyền bao nhiêu. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở tất cả các bệnh viện và hầu hết các phòng khám khu vực.
8.SXHD có thể điều trị ở đâu
Giai đoạn 1 của bệnh SXH, biểu hiện và xử trí tương tự sốt vi rút thông thường nên người bệnh có thể điều trị ngoại trú theo đơn. Giai đoạn 2 là giai đoạn có thể có nhiều biến chứng nặng nên người bệnh nên đến cơ sở y tế để điều trị. Sốt xuất huyết hoàn toàn có thể điều trị ở các tuyến cơ sở. Chỉ những trường hợp có biến chứng nặng như sốc Dengue gây suy đa tạng, hạ tiểu cầu gây chảy máu hoặc đe dọa chảy máu nghiêm trọng mới cần điều trị tại các tuến y tế cao hơn.
9.Những điểm gì cần lưu ý đặc biệt khi bị mắc sốt xuất huyết
Các biến chứng nặng của SXH thưởng xảy ra ở giai đoạn 2. Mặc dù lúc này bệnh nhân đã đỡ sốt nhưng vẫn không được chủ quan mà cần đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm máu hàng ngày. Nếu người bệnh có các dấu hiệu đe dọa: Mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài, ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
10.Phòng ngừa SXHD bằng cách nào
Để phòng tránh SXHD, cần tránh bị muỗi đốt. Phòng tránh cá nhân bằn cách diệt muỗi trong nhà, nằm màn, mặc quần áo dài tay sử dụng hương muỗi hoặc các hóa chất xua đuổi côn trùng. Phòng bệnh cho tập thể bằng cách bảo đảm vệ sinh môi trường, diệt ấu trùng muỗi (loăng quăng) bằng cách thả cá, làm lưới đậy cho những chum, bể nước, loại bỏ các vật dụng, mảnh vỡ đọng nước. Khơi thông các vũng nước đọng và phun thuốc diệt muối nếu môi trường có quá nhiều muỗi trưởng thành.
THẠC SĨ, BÁC SĨ NGUYỄN TRUNG CẤP
Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư