date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng năm 2024

Đăng lúc: 17:10:14 04/10/2024 (GMT+7)

Sáng 4/10, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Y tế tổ chức Hội nghị giao ban công tác Y tế dự phòng 9 tháng năm 2024; rà soát tiến độ các mục tiêu kế hoạch, định hướng các hoạt động trọng tâm trong các tháng cuối năm 2024. Tiến sĩ Đỗ Thái Hoà, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu 27 trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.

z5894600099598_31e26c8a2209a3b97d8f017f4eb4bda8.jpg 
Đồng chí  Đỗ Thái Hoà - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị

      Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, kết quả công tác tiêm chủng mở rộng 9 tháng năm 2024; Hoạt động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi tại Thanh Hoá năm 2024; Công tác phòng chống HIV/AIDS và các giải pháp tiếp cận mục tiêu 95-95-95, tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 2/10/2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Thanh Hoá ghi nhận 177 ca sốt phát ban nghi sởi; 146 ca SXHD; 163 ca tay chân miệng; 60 ca ho gà, 3 ca liên cầu lợn (trong đó tử vong 2 ca); 1 ca mắc và tử vong do dại tại xã Vạn Xuân (Thường Xuân); 3 ca sốt rét ngoại lai, 120 ca mắc COVID-19; 3 ca mắc Bạch hầu; 28 ca viêm gan B; 25 ca viêm não vi rút.



z5894600107721_f4acc33655e14744b578afe465e88c7f.jpg

Điểm cầu tại Trung tâm y tế huyện Mường Lát

z5894600107023_4acb769a95419073bc9549e2966cc2c8.jpg

Điểm cầu tại Trung tâm y tế huyện Hậu Lộc


      Hệ thống giám sát phát hiện dịch từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường. Công tác lấy mẫu xét nghiệm được triển khai thường xuyên nhằm phát hiện, chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh tại cộng đồng; Tiếp tục duy trì hoạt động đội phòng chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đội tại trung tâm y tế các huyện/thị xã/thành phố được trang bị đầy đủ phương tiện để sẵn sàng cơ động khi có dịch xảy ra. Công tác tiêm chủng tiếp tục được đẩy mạnh…

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay trên địa bàn tỉnh được dự báo vẫn diễn biến phức tạp có nguy cơ tiếp tục tăng cao do Thanh Hoá là tỉnh đông dân, giao thương, du lịch, đi lại tăng cao (70% ca bệnh Sốt xuất huyết là ca bệnh xâm nhập, có yếu tố dịch tễ ngoài tỉnh; 100% ca bệnh sốt rét là ca bệnh ngoại lai có yếu tố dịch tễ ngoài nước). Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu do gián đoạn cung ứng vắc xin trong giai đoạn dịch COVID-19. Sự phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị tại một số địa phương, đơn vị; các cơ sở điều trị công lập và tư nhân thực hiện báo cáo trường hợp bệnh theo Thông tư 54/2015/TT-BYT còn chậm, thiếu. Việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vắc xin, sinh phẩm,.. vẫn còn khó khăn; nhân lực y tế tuyến cơ sở còn thiếu, thường xuyên thay đổi; không duy trì được hệ thống y tế thôn bản...

quan som.jpg

Điểm cầu tại Trung tâm y tế huyện Quan Sơn

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để các đơn vị thảo luận, trao đổi, đề xuất những khó khăn vướng mắc còn tồn tại cần được hỗ trợ trong thời gian tới. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; Thực hiện tốt công tác tiêm chủng; Khẩn trương lên kế hoạch, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng… Đồng thời, có giải pháp thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thái Hoà ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, ngành đã cơ bản kiểm soát chủ động các dịch bệnh truyền nhiễm tái nổi và xuất hiện mới trên địa bàn, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng. Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh luôn có xu hướng diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi…) có xu hướng gia tăng, cùng khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi làm tăng nguy cơ xảy ra dịch. Đặc biệt là một số dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng có xu hướng tăng do một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn. Các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn vẫn xuất hiện trên địa bàn tỉnh... Đó là những thách thức và dự báo nguy cơ tình hình dịch bệnh tại địa phương có thể sẽ bùng phát bất kể thời gian nào nếu cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống y tế thiếu sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch.

Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục chủ động, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Chủ động giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm tại cơ sở y tế và tại cộng đồng, tăng cường hoạt động giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm từ sớm, từ xa, điều tra dịch tễ, nhận định đúng tình hình, nguy cơ, từ đó sớm đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp hạn chế tối đa số mắc, số tử vong.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị y tế cần chủ động, tích cực tham mưu cho Sở Y tế và các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất với cơ quan quản lý. Tăng cường các giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin để phòng, chống dịch bệnh. Trước mắt cần khẩn trương lên kế hoạch, triển khai tiêm vét, tiêm bù và tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng… Tăng cường huy động các nguồn hợp pháp nâng cấp, bổ sung các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, mua sắm vật tư, hóa chất đảm bảo cho công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng chí đề nghị các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch bệnh… Riêng đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường tổ chức thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô  hấp (như Sởi, Ho gà) không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh...

                            Khoa TTGDSK – Trung tâm kiểm soát bệnh tật


 

Công khai kết quả giải quyết TTHC